“Kem… mút… Kemmmmm…. Kemmmmm Kem... mút…”!
Khi nghe thấy tiếng rao “kem mút” là những đứa trẻ chúng tôi giỏng tai lên trông ngóng. Hôm nào được mẹ cho hai trăm đồng mua kem, hoặc trong nhà có cái gì đó mang ra đổi kem (có nơi gọi là cà rem), thì nguyên cả ngày vui như Tết. Còn không thì cả đám vẫn háo hức chờ đợi người bán kem chạy qua ngõ, ngó nghiêng cười một chút rồi lại quay vào với thế giới của riêng mình… Đó là tuổi thơ tôi!
Khác với những người rao bán những thứ khác, như bán chiếu thì: “Ai chiếu nào!”; bán muối thì: “Ai muốn nào”…, người bán kem dùng miếng tôn gò thành một cái loa nhỏ, rồi cột chặt một đầu vào một cái ống cao su cứng hình bầu dục. Những buổi trưa hè nắng bỏng, họ đạp xe khắp đường làng lối xóm, cầm tay bóp cái ống cao su thì “kem mút, kem mút” phát ra. Tài tình nhất là họ bóp làm sao đó để tiếng kêu nhiều khi lảnh lót, nhiều khi trầm đục, chậm nhanh khác nhau “kem kem kem”; “kem mút kem mút”; “Kem… mút… Kemmmmm…. Kemmmmm Kem... mút…”!
Que để làm kem ngày ấy bằng tre, được chẻ nhỏ ra. Nhiều khi ăn đến gần hết, thấy xơ tre tước ra trên que. Vậy nhưng lũ trẻ chúng tôi chẳng lấy điều đó làm bận tâm. Chỉ cần cầm tước miếng xơ tre ra rồi lại ăn tiếp. Có lúc một mẩu kem dính vào sợi xơ, chẳng đứa nào lỡ bỏ đi, vẫn lấy lưỡi liếm hết mọi tý. Kem cứng ngắc, cắn không được mà phải mút từ từ. Lần đầu biết mua kem, tôi vẫn còn nhớ, que kem chỉ có một trăm đồng. Rồi sau đó tăng lên hai trăm đồng. Nếu hôm nào sang, mua que kem ba trăm đồng là ngon lắm. Vì kem ba trăm đồng có dính vài sợi dừa phủ bên ngoài, ăn cũng mềm ngọt hơn, trắng hơn, không khô cứng như kem hai trăm. Mùa hè nóng nực mà được ăn một que kem, mát từ trong bụng mát ra tới nụ cười rồi lan ra, mát cả xung quanh.
Kem đó là kem que. Thỉnh thoảng tôi còn thấy có loại kem ống. Kem được để trong một cá ống nhỏ chừng ngón chân cái, dài khoảng gần hai gang tay. Khi lấy kem ra, người bán kem nhúng vào một cái ca nước nhỏ đeo bên cạnh thùng kem. Kem được lấy ra rất dễ dàng. Kem này chỉ lạ, không ngon như kem que nên ăn vài lần, mẹ tôi không cho ăn nữa. Vì “nó không ngon” – theo lời mẹ nói. Nhưng dù có không ngon, có toàn đá, có cứng như gạch thì lũ trẻ chúng tôi vẫn cứ thích, bất cứ loại kem nào, miễn là mát lạnh.
Ngoài kem que, kem ống ra, thế giới tuổi thơ của tôi còn có cây kem lung linh đủ thứ sắc màu, to như một chiếc túi lớn, nhìn xốp nhẹ như mây, gọi là kem bông. Người bán kem này có tiếng rao hơi khác kem mút. Chiếc kèn phát ra tiếng rao kêu “toe…. toe… toe”… Đúng với tên gọi của nó, kem bông nhìn to là thế nhưng chỉ cần đưa lưỡi chạm nhẹ vào thì tất cả mọi sợi bông đều xẹp xuống, dính vào lưỡi. Kem ngọt sắc nhưng không mát lạnh. Chỉ thích vì nó có đủ sắc màu, cảm giác chạm nhẹ vào đầu lưỡi thì cả cây kem bông to đùng xẹp xuống trong giây lát.
Lớn lên, tôi được ăn đủ thứ kem đắt tiền, sản xuất trên công nghệ hiện đại, với đủ hương vị và vẻ đẹp khác nhau. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn da diết nhớ cây kem hai trăm đồng, cứng như đá. Vì cứng nên không cắn không nhai được mà phải mút nhấm nháp từ từ cho đến hết…
Như ngày tháng từ từ nhấm nháp tuổi thơ tôi cho đến lúc nó đi qua.
SG 26-6-2012