Du lịch sinh thái Tràm Chim quốc gia Đồng Tháp

Không chỉ là nơi gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên, VQG Tràm Chim Đồng Tháp còn mang đến nhiều dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu giải trí và nghỉ dưỡng của du khách.
Du khách sẽ thật sự thoải mái với hệ thống phòng nghỉ sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi cùng phong cách phục vụ nhiệt tình của đội ngũ nhân viên khu du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp.
Dịch vụ ăn uống với những món ăn đặc sản vùng Đồng Tháp Mười của chúng tôi sẽ làm hài lòng bất kỳ thực khách khó tính nào.
du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp
Cá lóc nướng ở Tràm Chim Đồng Tháp
Với các tuyến tham quan bằng tắc ráng len lỏi giữa rừng tràm chim Đồng Tháp, du khách có cơ hội gần hơn với thiên nhiên, ngắm vũ điệu huyền ảo của sếu đầu đỏ quí tộc cùng hàng trăm loài chim khác. Du khách cũng có dịp leo lên những đài vọng cảnh thật cao, phóng tầm mắt bao quát cả nơi đây.
du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp
Đài vọng cảnh ở khu du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp
du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp
Du lịch rừng Tràm Chim Đồng Tháp
Đi trên những chiếc cầu khỉ đậm chất miền quê để đến với khu câu cá giải trí cũng là một lựa chọn thú vị của nhiều du khách, khi được tự tay câu và thưởng thức những con cá tươi ngon.
Dịch vụ cắm trại ở khu du lịch sinh thái Tràm Chim Đồng Tháp cũng ra đời dành cho những du khách muốn thử sống hòa mình cùng thiên nhiên.

Những khác biệt thú vị giữa bún ở ba miền Việt Nam

Nếu đã từng có dịp đi qua 3 miền đất nước và thưởng thức các món bún ở những nơi này, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy những sự khác biệt rất thú vị.
Sự pha trộn khéo léo cùng với việc phong phú về nguyên liệu đã tạo nên các món bún nổi tiếng ở ba miền như bún bò, bún cá, bún chả…
Ngoài món cơm truyền thống thì có thể nói bún là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Đi từ Bắc vào Nam, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bún với cách chế biến cũng như hương vị khác nhau, thể hiện tính cách khác nhau giữa các vùng miền.
Sự tinh tế trong món bún của người Bắc
Những món bún xứ Bắc được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế, pha trộn nhiều các nguyên liệu với nhau để món ăn đẹp mắt, hấp dẫn và luôn ngon miệng.
Bun thang
Bún thang thể hiện rõ nét nhất sự tinh tế của người miền Bắc. Từ chuẩn bị cho đến nấu thành phẩm, người ta tính được có khoảng 20 nguyên liệu trong bát bún thang. Nào là rau răm, mùi tàu, trứng gà tráng, lườn gà, giò lụa… được thái mỏng hoặc xé sợi, rắc đều lên trên bát bún trắng, thêm một ít tôm khô. Gia vị ăn kèm phong phú như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu, chanh, một tí xíu mắm tôm.
Các loại bún khác như bún chả, bún mọc, bún đậu mắm tôm… tuy không nhiều nguyên liệu như bún thang, nhưng sự cầu kì không hề thua kém. Mỗi món ăn đều đòi hỏi người đầu bếp phải chuẩn bị một cách tỉ mỉ, từ lựa chọn nguyên liệu, nấu nước dùng cho đến các loại rau ăn kèm, tất cả phải hòa hợp với nhau để tạo nên một món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.
Không thể thiếu vị cay trong món bún của người Trung
Món bún của người miền Trung tuy đơn giản nhưng cũng được nhiều người ưa thích. Người miền Trung vốn dĩ thích ăn cay nên các loại bún ở đây không thể thiếu đi vị cay được.
Bun bo Hue
Đại diện tiêu biểu nhất chính là bún bò Huế, ai từng ăn bát bún bò đúng chất Huế sẽ không quên được cái vị cay của nó. Vị cay đó đem đến cho người ăn chính là ớt, ớt với vô vàn các loại ớt cho bạn lựa chọn như: ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát… Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.
Ngoài bún bò Huế, các tỉnh ven biển dọc miền Trung còn nổi tiếng với món bún chả cá với nước dùng trong, không quá cay như bún bò Huế nhưng vị cay lại đến từ chén nước chấm ăn kèm với chả cá. Nước chấm hơi sệt, được pha chế từ đường, nước mắm, tỏi và ớt, cùng với đó là một chén ớt xiêm xanh như thách thức người ăn thử mức độ ăn cay của mình.
Đậm đà vị mắm trong món bún của người Nam
Ngược vào miền Nam, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món bún ngon khác như: bún mắm, bún cá, bún nước lèo… Món bún ở đây không cầu kỳ, được tạo nên từ những nguyên liệu gần gũi trong đời sống của người dân.
Bun mam
Mắm là nguyên liệu chính trong món bún của người miền Nam. Nổi tiếng nhất là món bún mắm, nước dùng được nấu bằng mắm các loại cá trèn, cá sặc, cá lóc, cá linh… có nhiều trên các sông rạch miền Tây. Bún mắm được chế biến với tôm, thịt ba chỉ, mực. Sóc Trăng có món bún nước lèo, hương vị cũng thoang thoảng như bún mắm bởi nước dùng nấu bằng mắm bò hóc – một loại mắm đặc sản của người Khmer sinh sống ở Sóc Trăng, Trà Vinh.
Món bún của người miền Nam thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau có quen thuộc trong đời sống của người dân. Chỉ cần đi lang thang một vòng trong vườn nhà là bạn đã có nhiều loại rau tươi ngon đủ cho một bữa ăn, nào là rau đắng, điên điển, bông súng, kèo nèo, húng lủi… Hương vị đậm đà của món bún được kết hợp với nhiều loại rau mang đến cho người ăn một trải nghiệm vô cùng thú vị.

10 món ăn vỉa hè được khách du lịch ưa chuộng nhất ở Hà Nội

Trang du lịch của CNN vừa giới thiệu 10 món ăn vỉa hè ở Hà Nội được khách du lịch ưa chuộng nhất. Mời bạn cùng khám phá.
Đây là thiên đường của các món ăn vỉa hè với rất nhiều sự lựa chọn cho những người muốn tìm hiểu những món ăn của người dân địa phương. Trên thực tế, có rất nhiều người tin rằng, những món ăn ngon ở Hà Nội chỉ có thể tìm thấy ở những quán ăn vỉa hè. Những món ăn này thường được ăn kèm với nước mắm, sả, ớt, rau mùi và một số loại rau sống khác. Tuy nhiên, có vẻ như việc ngồi ăn ở các cửa hàng nhỏ ở ven đường hoặc ở trên vỉa hè, ngồi ăn ở trên bàn ghế nhựa có vẻ không phù hợp lắm với người nước ngoài.
1. Bún chả
Bun chaLà món ăn ngon và có rất sẵn, bún chả là sự lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn trưa cho mọi người. Thịt lợn thái miếng được nướng trên than hồng ăn cùng với nước mắm được pha cùng dấm, chanh, đường thành hỗn hợp nước chấm tuyệt ngon ăn kèm với bún và các loại rau sống.Được ăn kèm với chả nướng, bún chả là món có rất nhiều năng lượng, ăn cùng vời tỏi và ớt cho thêm hương vị. Du khách có thể nếm thử bún chả tại 34 Hàng Than, Hà Nội
2. Phở
Pho gaĐược coi là cái nôi được sinh ra, món phở của Hà Nội được biết đến trên toàn thế giới với bánh phở được nấu với nước dùng ăn kèm với rau sống. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi phở Hà Nội lại nổi tiếng như thế. Có hai loại phở nổi tiếng là phở bò và phở gà. Phở thường được dùng như là một bữa ăn sáng, vì vậy các cửa hàng bán phở thường đón khách từ sáng sớm cho đến giữa buổi sáng.Khách quốc tế ăn phở Hà Nội đều chung một nhận xét rằng hàng phở ngon thường ở ngoài vỉa hè, người bán hàng thường hay khó tính và đồ dùng thì không được sạch sẽ cho lắm.
3. Bún riêu cua
Bun rieu cuaMón ăn này có nước dùng là cua nước ngọt với của cà chua thơm lừng, ăn cùng với bún. Khi nhìn vào bát bún riêu cua, ta sẽ thấy thịt cua đã đông lại nổi lên có màu nâu, đậu rán vàng hấp dẫn. Thêm vào đó có mắm tôn cho mùi vị thêm hấp dẫn cùng với màu tím đẹp mắt tạo thành một món ăn ngon tuyệt vời. Ớt và rau sống sẽ làm cho món ăn này càng tuyệt vời hơn.
4. Gà nướng
Chan ga nuongLý Văn Phúc là con tên chính thức của một con phố ở Hà Nội nhưng người ta vẫn quen gọi con phố này với một cái tên khác đó là “phố gà” vì ở con phố nhỏ này vẫn hàng ngày tấp nập người đến thưởng thức món gà nướng. Cánh và chân gà nướng thơm phức, khoai tây ngọt, bánh mỳ nướng mật ong ăn kèm với tương ớt và dưa chuột ngâm dấm ngọt là những thực đơn của các quán ăn trên con đường này.
5. Xôi nóng
Xoi nongVào buổi sáng, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một người bán xôi dạo ở Hà Nội. Xôi là một món ăn sáng rất phổ biến và giàu dinh dưỡng được gói trong lá chuối. Hiện nay có hàng chục các loại xôi khác nhau. Xôi được ăn kèm với muối lạc hoặc muối vừng, hành phi và ngô trắng.
6. Café đá
Cafe daCafé được du nhập từ Pháp vào Việt Nam, cùng với bánh mỳ baguette – một trong những di sản ẩm thực của họ. Café trồng ở Việt Nam được rang lên cùng với mỡ hoặc bơ và thường pha bằng fin.Ngồi uống một tách nâu đá ven đường và ngắm phố phường bận rộn thì thật là thư thái và thú vị.
7. Nem cua bể
Nem cua beBạn có thể tìm thấy rất nhiều loại nem ngon ở Việt Nam nhưng nem cua bể được làm từ thịt cua bể tươi vẫn là ngon nhất. Không giống như các loại nem khác, nem cua bể được gói thành hình vuông trước khi mang rán. Nem cua bể được coi là đặc sản của Hải Phòng nhưng nem cua bể ở Hà Nội cũng rất tuyệt.
8. Cháo cá
Chao caKhông có món ăn nào có thể làm người bạn ấm lên bằng cháo cá vì vậy nếu bạn đang tìm kiếm một bữa ăn sáng ở tại Hà Nội thì tại sao lại không ăn thử một bát cháo cá nóng hổi. Giống như cháo của Trung Quốc, gạo được cho vào nồi nấu cùng với các loại ngũ cốc cho đến khi ở dạng lỏng. Ở Hà Nội, cháo cá được ăn cùng với hành lá, thì là và một chút gừng.
9. Bánh cuốn
Banh cuonBánh cuốn là của miền Bắc Việt Nam và được du nhập vào Hà Nội từ rất sớm. Bánh cuốn được làm từ bột gạo tráng mỏng, với thịt băm và mộc nhĩ ăn kèm với nước chấm, hành phi và rau sống. Bánh cuốn là món ăn sáng hoặc ăn nhẹ ban đêm.
10. Mực nướng
Muc nuongKhông có gì tốt hơn khi được ngồi uống gì đó ngắm nhìn phố phường Hà Nội và cũng không có đồ ăn vặt nào ngon hơn mực nướng. Mực được nướng trên than hồng sau đó xé nhỏ và ăn cùng tương ớt. Nhai mực và nhâm nhi một chút rượu thì quá tuyệt.
(Theo TTVN)

6 món ăn Việt thách thức du khách nước ngoài

Việt Nam nổi tiếng với nền văn hóa ẩm thực rất phong phú, đặc sắc và đa dạng. Bên cạnh phở, bún chả đã trở thành thương hiệu, nước ta còn có rất nhiều món ăn mang tính thử thách các du khách nước ngoài.
Không chỉ các du khách nước ngoài, ngay cả người Việt Nam chính cống không phải ai cũng dám thử những món ăn nhìn là thấy sợ khi du lịch đến các vùng miền. Những con bọ, côn trùng, thậm chí cả nội tạng của động vật cũng được dân địa phương tận dụng, chế biến ra các món đặc sản.
1. Côn trùng
Con trung
Có thể nói dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là những người ăn mạo hiểm nhất trên cả nước. Côn trùng, nhện, thậm chí cả những con bọ nước lớn, nhện vằn và bọ cạp cũng đều có thể trở thành món ăn ngon với người Khmer. Loài được “ưu ái” nhất phải kể đến dế, ấu trùng ong và sâu. Đa phần các côn trùng này đều được rán lên và mang hương vị rất riêng của từng loại.
2. Ếch
Ech
Người Việt chúng ta không chỉ ăn đùi ếch béo tròn, mà còn không bỏ phí bất cứ phần nào. Sau khi ếch được làm sạch ruột và lột da, người đầu bếp có thể chế biến tùy theo sở thích như rán, nướng hoặc hấp cả con.
3. Phá lấu
Pha lau
Gọi Việt Nam là thiên đường ẩm thực cũng không sai, người dân rất sáng tạo và không để lãng phí thức ăn. Từ nội tạng động vật như: ruột, phổi, thận, tim, gan, dạ dày…. cũng đều có thể chế biến ra được món ăn. Món phá lấu chính là một ví dụ điển hình, có thể ăn món này với bánh mì.
4. Răng mực
Rang muc
Răng mực cũng là một ví dụ khác về tài sáng tạo trong việc nấu nướng của người Việt. Răng mực là cục tròn nhỏ xíu nằm trên phần đầu mực và nếu ai nghĩ rằng răng mực không thể ăn được thì hoàn toàn sai lầm.
Người ta có thể chế biến nhiều món khác nhau như răng mực luộc, hấp gừng, chiên bột, xào sa tế hay nướng xiên que. Đây là một món ăn nhẹ nổi tiếng cho các học sinh mỗi giờ tan học và rất thích hợp với những bà mẹ bận rộn.
5. Trứng vịt lộn
Trung vit lon
Đối với người Việt Nam, trứng vịt lộn là một món ăn nhẹ rất thịnh hành và bổ dưỡng. Tuy nhiên, với du khách nước ngoài, đây lại là món thách thức lòng dũng cảm. Nhìn vào bào thai vịt phát triển chưa hoàn thiện, thậm chí nhìn rõ từng cọng lông của con vịt, nhiều du khách lắc đầu ngán ngẩm.
6. Tiết canh
Tiet canh
Chẳng những du khách nước ngoài mà ngay cả người dân Việt Nam không phải ai cũng dám ăn. Đúng như tên gọi, tiết canh là món ăn lấy máu tươi của vịt, ngỗng hoặc lợn pha chế với đậu phộng, thịt băm cùng một vài mẹo khiến máu đông cứng lại. Người ăn sẽ vắt ít chanh, rắc hạt tiêu để tạo cảm giác ngon miệng. Món ăn này rất điển hình ở miền Bắc Việt Nam.
(nguồn: zing.vn)

Văn hóa du lịch

THỜI KỲ DỰNG NƯỚC
Vào thế kỷ thứ 7đến thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, 15 bộ lạc sinh sống tại vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã, miền bắc Việt Nam ngày nay thống nhất lập nên nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của người Việt. Kinh đô đóng tại Phong Châu (Vĩnh Phú ngày nay). Vua nước Văn Lang, tất cả 18 đời, đều xưng  là Hùng Vương.
Thế kỷ thứ 2 trước CN, sau cuộc kháng chiến chống lại quân Tần Thủy Hoàng (218-208), nhà nước phong kiến Trung Quốc ở phương Bắc, Thục Phán lên làm vua nước Văn Lang xưng là An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, xây thành ốc ở Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) làm kinh đô.
THỜI KỲ BỊ PHONG KIẾN PHƯƠNG BẮC ĐÔ HỘ
Chien thang Bach DangNăm 179 trước CN, nước Âu Lạc bị nước Nam Việt của Triệu Đà xâm lược. (Triệu Đà là tướng quân của nhà Tần. Sau khi Tần Thủy Hoàng chết, ông ta nhân cơ hội chiếm phần đất do mình được giao cai quản ở phía nam nước Tần lập nên nước Nam Việt. Còn nhà Tần thì bị nhà Hán thay thế.) Nước Âu Lạc bị đô hộ mở đầu cho thời kỳ lịch sử đen tối, đau thương, đầy uất hận dài đằng đẵng hơn 1000 năm của dân tộc Việt. Nước Âu Lạc bị sáp nhập thành các quận, huyện của các nhà nước phong kiến phương Bắc (qua các triều đại Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường của Trung Quốc). Trong thời gian này, tuy bị cai trị, bóc lột tàn nhẫn, hà khắc nhưng nhân dân ta vẫn không những chẳng khi nào chịu khuất phục mà còn liên tục vùng lên đấu tranh nhằm giành lại độc lập tự chủ, chống bị Hán hóa.
Sau CN, năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi. Nhưng chỉ 3 năm sau. Đất nước lại bị rơi vào tay nhà Hán.
Nhiều cuộc khởi nghĩa lại dậy lên sau đó.
Năm 248, khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô thất bại.
Năm 542, Lý Bí khởi nghĩa thành công, giành lại đuợc độc lập từ tay nhà Lương, xưng là Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân với mong muốn đất nước mãi mãi trường tồn.
Năm 545, nhà Lương đem quân sang xâm lược nước Vạn Xuân, Lý Nam Đế thua trận liên tục phải rút về động Khuất Lão. Tại đây ông bị bệnh chết. Triệu Quang Phục lên thay. Triệu Quang Phục lui quân về đầm Dạ Trạch thực hiện chiến tranh du kích. Cuối cùng năm 550, Triệu Quang Phục mới giành được thắng lợi, khôi phục nước Vạn Xuân, tự xưng là Triệu Việt Vương. Đến năm 571, Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử cướp ngôi.
Năm 602-603, Lý Phật Tử không chống được cuộc xâm lược của giặc, nước ta lại rơi vào tay nhà Tùy, rồi nhà Đường.
Năm 722, Mai Thúc Loan phất cờ khởi nghĩa. Thất bại.
Năm 905, Khúc Thừa Dụ khởi nghĩa giành được chính quyền. Nhà Đường công nhận chính quyền tự chủ của ông.
Năm 930, quân Nam Hán sang xâm lược nước ta. Nam Hán là một nước do Luu Ẩn, tướng của nhà Hậu Lương cát cứ vùng đất Hoa Nam mà mình được nhà Lương giao cho cai quản thành lập (nhà Lương cướp ngôi nhà Đường vào năm 907). Người đứng đầu nước ta lúc đó là Khúc Thừa Mỹ không chống lại được, bị bắt sang Nam Hán. Các tướng lĩnh của họ Khúc tổ chức nhiều cuộc kháng chiến.
Năm 931, cuộc kháng chiến do Dương Đình Nghệ lãnh đạo thành công. Ông được tôn làm Tiết Độ Sứ.
Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ cướp quyền lãnh đạo. Ngô Quyền là con rể Dương Đình Nghệ khởi binh trừng phạt. Kiều Công Tiễn cầu cứu nước Nam Hán và dĩ nhiên vua Nam Hán vui vẻ nhận lời.
Năm 938, quân Nam Hán do thái tử Hoằng Tháo kéo sang nước ta theo đường thủy định phối hợp với Kiều Công Tiễn đánh bại Ngô Quyền. Nhưng Hoằng Tháo chưa đến nơi thì Ngô Quyền đã diệt được Kiều Công Tiễn và bố trí trận địa chờ sẵn. Khi quân Nam Hán lọt vào trận địa mai phục của Ngô Quyền ở cửa sông Bạch Đằng thì bị đánh cho tan tác. Hoằng Tháo chết trận, quân Nam Hán tháo chạy về nước. Vua Nam Hán bỏ mộng xâm lược.
Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, dựng kinh đô tại Cổ Loa. Mở ra thời kỳ độc lập tự chủ hòan toàn cho nước ta sau hơn 1000 năm bị đô hộ bởi phong kiến phương bắc.
Năm 944, Ngô Quyền chết. Tình hình đất nước rơi vào cảnh hỗn lọan, tranh dành quyền lực giữa các phe phái tướng lĩnh và con của Ngô Quyền (Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn).
Năm 965, vị vua cuối cùng của triều Ngô là Ngô Xương Văn chết, các tướng lĩnh địa phương thi nhau cát cứ. Đất nước bị chia cắt thành 12 sứ quân.
THỜI KỲ CÁC NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN VIỆT NAM
Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh  thống nhất được 12 sứ quân. Do ông đánh đâu thắng đấy nên đuợc dân chúng tôn là Vạn Thắng Vương. Năm 968, Vạn Thắng Vương lên ngôi Hòang Đế xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, kinh đô đóng tại Hoa Lư.
Năm 979, Đỗ Thích ám hại Đinh Tiên Hoàng cùng con là Đinh Liễn. Triều thần bắt giết Đỗ Thích, lập Đinh Toàn, 5 tuổi, lên làm vua. Thái hậu Dương Vân Nga nhiếp chính, quyền phụ chính được giao cho Lê Hoàn. Lúc này, nhà Tống thấy tình hình nước ta rối ren, vua còn nhỏ tuổi như vậy thì cho đó là cơ hội trời cho để thôn tính bèn giao Hồ Nhân Bảo xua quân xâm lược. Được tin, Thái Hậu Dương Vân Nga cùng triều thần nhất trí nhường ngôi báu cho Lê Hòan để ông có được tòan quyền mà dốc sức chống Tống.
Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi xưng là Đại Hành Hoàng Đế (Lê Đại Hành). Ông gấp rút tổ chức lại bộ máy hành chính, chỉnh đốn quân đội chuẩn bị nghênh chiến.
Năm 981, quân Tống ồ ạt tấn công Đại Cồ Việt theo cả hai đường thủy, bộ. Nhờ chuẩn bị tốt, và tài mưu lược. Lê Hoàn đánh bại quân Tống, giữ yên bờ cõi.
Năm 1005, Lê Hòan chết, các con của ông tranh nhau giành ngôi báu. Lê Long Đĩnh thắng lên làm vua (Lê Ngọa Triều). Ông vua này rất thích bạo lực, sa đọa và trụy lạc nên không đựơc lòng dân chúng.
Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết. Được sự ủng hộ của nhiều người, Lý Công Uẩn tự xưng vua (Lý Thái Tổ) lập ra triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm với 9 đời vua (Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hòang).
Năm 1010, Lý Thái Tổ dời kinh đô về thành Đại La. Sau đổi tên thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay).
Năm 1072, Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 6 tuổi. Nhà Tống bên Trung Quốc cho là cơ hội tốt chuẩn bị lương thảo có ý xâm lược nước ta. Vì vua còn nhỏ nên quan phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt nắm trọn binh quyền.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt chủ trương “đánh phủ đầu” quân Tống để tự vệ trước bèn tập trung 10 vạn quân thủy bộ chia làm hai đường đánh sang đất Tống với mục đích phá hủy các kho dữ trữ lương thảo hậu cần nằm ở Ung Châu và Khâm Châu, Liêm Châu mà nhà Tống đang chuẩn bị để phục vụ cho cuộc xâm lược nước ta. Quân Thủy đánh Khâm Châu, quận bộ đánh Ung Châu. Bị bất ngờ nên quân Tống thua liên tiếp. Nửa tháng sau chính quyền Tống ở trung ương mới biết được tin. Vua Tống lập tức chuẩn bị đại binh dự định đánh thẳng vào nước ta để giải vây.
Năm 1076, tháng 3, sau sáu tháng tiến công, quân ta đã đạt được mục đích và rút về nước cũng là đề phòng bị đánh úp. Khi đó, đại binh quân Tống còn chưa kịp lên đường.
Năm 1076, tháng 8, sau khi củng cố lực lượng, nhà Tống đem 30 vạn quân chia hai đường thủy, bộ bắt đầu xâm lược nước ta và cũng là để trả thù cho sự kiện ở trên. Lý Thường Kiệt chọn địa điếm quyết chiến tại sông Như Nguyệt, xây dựng phòng tuyến phòng thủ tại bờ nam chờ giặc.
Năm 1077, tháng 1, quân Tống đến phòng tuyến Như Nguyệt  và bị chặn đứng ở đó. Thế trận giằng co kéo dài, binh Tống ngày một hao tổn do thiếu lương thực vũ khí vì bị quân ta đánh du kích. cuối cùng quân Tống phải chấp nhận giảng hòa rút quân về. Triều Lý bắt tay xây dựng đất nước và bước vào thời kỳ hưng thịnh.
Từ 1138, triều Lý có dấu hiệu suy  yếu do các vua đều lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, bị chết yếu,… quyền hành rơi vào tay ngọai tộc vốn lắm kẻ gian tham, bất tài, hại dân. Vào cuối triều nhà Lý, các quý tộc quan lại họ Trần nổi lên là một thế lực lớn có công giúp nhà Lý bình định thiên hạ.
Năm 1225, Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, 7 tuổi. Quyền bính nằm cả trong tay quan điện tiền Trần Thủ Độ.
Năm 1226, dưới sức ép của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng mình là Trần Cảnh (Trần Thái Tông), cháu của Trần Thủ Độ, khi ấy cũng mới 8 tuổi. Quyền hành vẫn trong tay Trần Thủ Độ với địa vị Thái Sư. Trần Thủ Độ tìm mọi cách để “nhổ sạch rễ” họ nhà Lý, củng cố địa vị cho họ Trần. Nhà Lý kết thúc ở đây.
Những việc làm của Trần Thủ Độ gây nên một cuộc khủng hoảng chính trị, gây nhiều bất bình trong dân chúng. Thậm chí còn gây nên mâu thuẫn lớn giữa một số người trong họ Trần. Tuy nhiên, thế lực của Trần Thủ Độ quá lớn nên mọi việc cuối cùng cũng êm xuôi. Triều đại nhà Trần dần phát triển và kéo dài 175 năm qua 12 đời vua (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế). Triều Trần hưng thịnh nhất sau khi 3 lần đánh tan quân xâm lược Mông Nguyên(Trung Quốc).
Năm 1258, quân Mông Cổ xâm lược nước Đại Việt của nhà Trần. Khi ấy Mông Cổ là một đại đế quốc lớn nhất thế giới trong lịch sử có lãnh thổ bao gồm khỏang 40 nước trải dài từ bờ Thái Bình Dương cho tới Trung Đông, Đông Âu  và vẫn tiếp tục bành trướng. “Vó ngựa Mông Cổ đi tới đâu, nơi ấy cỏ cây không mọc được”. Lần xâm lược Đại Việt này nằm trong kế họach bành trướng xuống phía Nam của Đại hãn Mông Cổ lúc đó là Mông Kha (Mong Ke).
Quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy chia làm nhiều cánh tràn vào Đại Việt tới Bạch Hạc (Vĩnh Phú ngày nay) thì hợp lại cùng tiến về Thăng Long. Vua Trần Thái Tông và các tướng lĩnh lần đầu ra quân gặp cường địch, non kinh nghiệm đối phó với kỵ binh Mông Cổ nên liên tiếp thua trận phải thi hành kế sách bỏ Thăng Long vườn không nhà trống rút về phía Nam bảo tòan lực lượng chờ thời cơ, đồng thời để một số quân ở lại kết hợp với dân chúng quanh vùng đánh du kích.  Quân Mông Cổ vào đến Thăng Long không cuớp bóc được nhiều của cải lương thực để nuôi quân lại không quen khí hậu nên sinh bệnh, mệt mỏi, rối loạn đội ngũ, nhụt nhuệ khí chiến đấu. Một đêm, Vua Trần bất ngờ tổ chức tập kích doanh trại quân giặc. Quân Mông Cổ hốt hoảng không kịp phản ứng giày xéo nhau mà chạy, bị giết rất nhiều. Đại quân Trần truy sát lại thêm phục binh quân Trần đổ ra chặn đánh khắp nơi, quân Mông Cổ chạy về Vân Nam (Trung Quốc) mà không có thời gian dừng lại giết cướp. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng Đại Việt sạch bóng quân Mông Cổ. Chúng chỉ ở Thăng Long vỏn vẹn được 9 ngày.
Đầu năm 1285, quân Nguyên sang xâm lược nước ta. Nhà Nguyên bên Trung quốc là do Hốt Tất Liệt, em trai của đại hãn Mông Cổ Mông Kha, diệt nước Tống, độc chiếm Trung Quốc dựng nên. Vì vậy ta hay gọi quân Nguyên là Nguyên Mông hay Mông Nguyên.
50 vạn quân Nguyên chia làm 3 đường tiến chiếm Đại Việt. Đích thân con trai Hốt Tất Liệt, thái tử Thoát Hoan, chỉ huy hai đạo quân bộ từ hai hướng đông bắc, tây bắc Đại Việt đánh xuống, đạo quân thủy do Toa Đô từ nước Chiêm Thành (sau khi lập nhà Nguyên, Hốt Tất Liệt đã sai Toa Đô đánh Chiêm Thành trước), phía nam Đại Việt đánh lên. Quân nhà Trần bị kẹp vào giữa. Vua Trần lúc này là Trần Nhân Tông cử Trần Quang Khải làm Thượng Tướng Thái Sư, Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh ba quân chống giặc.
Quốc Công Tiết Chế đem quân chặn đánh quân bộ phía đông của Thoát Hoan trước. Trần Nhật Duật thì chặn cánh quân phía Tây do Nạp Tốc Lạt Dinh chỉ huy. Trước thế giặc mạnh, vua tôi nhà Trần vừa đánh vừa rút lui chiến thuật.  Quân Nguyên cứ thế chiếm Nội Bàng, Vạn Kiếp… Khi quân Nguyên tới Thăng Long thì vua Trần đã rút về Thiên Trường (Nam Định) bỏ lại kinh thành trống không như lần kháng Mông Cổ lần trước.  Về Thiên Trường, Trần Quốc Tuấn cử Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải trấn giữ Hoan Châu (Nghệ An) chặn đường tiến quân Toa Đô. Khi Thoát Hoan chiếm Thăng Long thì Trần Quốc Tuấn lại kéo quân ra lấy lại Vạn Kiếp đánh sau lưng Thoát Hoan. Thoát Hoan bị vây liền cho người về nước xin thêm binh cứu viện. Lúc đó, ở phía Nam, Trần Nhật Duật rồi Trần Quang Khải không ngăn được Toa Đô. Khi Toa Đô tiến vào đến Ái Châu (Thanh Hóa), Vua Trần công kích Thóat Hoan ở Thăng Long nhưng không được lại lui về Thiên Trường. Thoát Hoan đuổi theo. Trần Quốc Tuấn phải đem quân từ Vạn Kiếp về Thiên Trường rồi cùng Vua Trần rút ra phía Hải Dương. Thoát Hoan đuổi theo sát gót. Đồng thời Toa Đô cũng kéo quân thủy theo đường biển từ Ái Châu ra đuổi theo. Trần Quốc Tuấn sử dụng kế nghi binh dụ quân Nguyên đuổi theo Vua Trần ra đường biển còn mình đưa vua Trần thoát vào Ái Châu theo đường bộ, thóat hiểm trong tíc tắc…
Thời tiết bắt đầu sang hè, nắng nóng và lụt lội làm cho quân Nguyên vốn chỉ quen khí hậu lạnh ở phương bắc bị bệnh dịch rất nhiều, lương thực lại cạn kiệt nên giảm sức chiến đấu. Trần Quốc Tuấn chỉ chờ cơ hội như vậy để phản công. Ông cử Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật , Trần Quốc Tỏan, Nguyễn Khoái,… chặn đánh quân thủy của Toa Đô ở Tây Kết,  Hàm Tử, Chương Dương… Đích thân Trần Quốc Tuấn thì đánh lên Vạn Kiếp. Quả nhiên quân Nguyên thất thế.  Toa Đô rút về Thiên Trường. Quân ở Vạn Kiếp chạy cả về Thăng Long. Liên lạc giữa hai cánh thủy bộ của quân Nguyên bị quân Trần cắt đứt. Quân Trần tập trung đánh Thăng Long. Thoát Hoan thua to, bỏ thành rút chạy về Bắc Ninh. Khi Toa Đô kéo lên Thăng Long định hội quân với Thoát Hoan thì Thóat Hoan đã chạy rồi . Toa Đô lui về đóng ở Tây Kết. Đến đây, Toa Đô bị đại quân của vua Trần bắn chết, Nguyên quân bị đánh tan tác chết vô số kể. Các tướng Ô Mã Nhi, Lưu Khuê dắt tàn quân chạy vào Ái Châu. Quân Trần truy đánh rất rát cuối cùng Ô Mã Nhi, Lưu Khuê phải bỏ thuyền tướng lấy thuyền nhỏ tháo chạy ra biển về nước, quân Trần bắt sống được vài vạn tàn quân. Phía Thóat Hoan, sau khi về Bắc Ninh lại bị quân Trần đón đánh thì chạy sang Vạn Kiếp nhưng ở đây Trần Quốc Tuấn cũng đã bố trí sẵn quân mai phục. Giữa lúc quân Nguyên đang vượt sông Thương, quân Trần đổ ra đánh. Quân Nguyên chết vô số kể. Thoát Hoan cùng bộ tướng Lý Hằng gom tàn quân chạy về nước. Tới biên giới thuộc Lạng Sơn, quân Trần phục sẵn trên núi bắn tên xuống như mưa, Lý Hằng trúng tên độc chết liền. Thoát Hoan được hộ tướng giấu vào một vật dụng bằng đồng bỏ lên xe cho lính kéo chạy nhờ vậy sống sót, chạy thoát về nước. Đại Việt sạch bóng quân Nguyên.
Cuối năm 1287, Hốt Tất Liệt gom 30 vạn quân giao Thoát Hoan chỉ huy thẳng tiến Đại Việt để báo thù. Lần này quân Nguyên cũng chia làm 3 đạo: Thoát Hoan tiến vào qua ngả Lạng Sơn, Ai Lỗ vào theo hướng dọc sông Lô (sông Hồng ngày nay), Ô Mã Nhi theo đường biển vào sông Bạch Đằng, ngòai ra còn có đoàn thuyền lương thực do Trương Văn Hổ chỉ huy đi sau Ô Mã Nhi. Các cánh quân Nguyện hẹn hội quân tại Vạn Kiếp.
Quân Trần tổ chức đánh chặn nhưng cũng như lần trước. Quân Nguyên lúc này còn hăng hái nên tiến được vào đến Vạn Kiếp tuy bị tổn thất chút ít. Ô Mã Nhi có lẽ nóng lòng báo thù nên tung tăng đi trước bỏ đoàn thuyền lương nặng nề của Trương Văn Hổ khá xa. Khi Ô Mã Nhị họp quân với Thóat Hoan ở Vạn Kiếp thì đòan thuyền lương còn ở ngòai biển. Sau đó thì bị Trần Khánh Dư đánh chìm toàn bộ ở Vân Đồn. Thoát Hoan và Ô Mã Nhi trong đất liền không hề hay biết.
Tại Vạn Kiếp, Thoát Hoan chỉnh đốn đội ngũ tấn công Thăng Long. Trần Quốc Tuấn lại để thành Thăng Long vườn không nhà trống. Thoát Hoan vào Thăng Long không bắt được vua Trần liền sai Ô Mã Nhi gấp rút đuổi bắt. Không đuổi kịp, Ô Mã Nhi trút bực tức bằng cách cho quân cuớp bóc dân chúng, đốt phá nhà cửa, chùa chiền, đào bới lăng mộ vua Trần Cảnh,..
Không ở được Thăng Long, Thoát Hoan cho quân lui về Bắc Giang, Vạn Kíếp sai Ô Mã Nhi ra biển tìm đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ô Mã Nhi ra đến cửa biển Đại Bàng (Hải Phòng) thì bị đánh tơi bời. Quân Trần bắt được 300 chiến thuyền. Ô Mã Nhi quay về Vạn Kiếp. Vua Trần cho người mang theo tù binh bắt được của đoàn thuyền lương sang trại Thoát Hoan thông báo đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ đã bị diệt rồi. Tin đó làm quân Nguyên lo sợ vì lương thực đã hết. Cùng lúc quân Trần phản công ở khắp nơi. Sợ nguy, Thoát Hoan vội bàn với các tướng rút quân về nước. Tất cả tướng Nguyên đều đồng ý. Thoát Hoan rút theo đường bộ theo ngả Lạng Sơn, Ô Mã Nhi rút theo sông Bạch Đằng. Nhưng Trần Quốc Tuấn đã cho quân mai phục tất cả mọi nẻo đường rút chạy. Ô Mã Nhi, cùng bộ tướng là Phàn Tiếp lọt vào trận địa bãi cọc ở cửa sông Bạch Đằng, bị bắt sống, máu quân Nguyên nhuộm đỏ nước sông. Trên bộ, Thoát Hoan cũng bị chặn đánh nhiều trận. Xác quân Nguyên trải dài từ Vạn Kiếp tới biên giới Lạng Sơn. Cuối tháng 4/1288, Thoát Hoan mới về được châu Tư Minh (Quảng Tây, Trung Quốc). Đại Việt lại sạch bóng giặc ngoại xâm.
Sau chiến  thắng quân Mông Nguyên lần thứ 3, Đại Việt có được một thời gian dài ổn định và phát triển hưng thịnh. Nhưng từ đời vua Trần Dụ Tông trở đi thì nước Đại Việt đã có nhiều biểu hiện suy thoái. Vua quan bất tài, ăn chơi, sa đọa. Ngôi báu nhà Trần đã có lúc rơi vào tay ngọai tộc, giặc giã nỗi lên như nấm, các nước lân cận đều mang quân tràn sang cướp phá…Từ đời vua Trần Nghệ Tông trở đi, Hồ Quý Ly nổi lên là một nhà chính trị có tài và được trọng dụng. Nhờ đó nhân buổi rối ren, suy thoái của nhà Trần, Hồ Quý Ly đọat được ngôi báu.
Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi tên nước Đại Việt thành Đại Ngu, và tiến hành nhiều cuộc cải cách lớn, trong đó có việc đổi tiền đồng sang tiền giấy “thông bảo hội sao”. Tuy nhiên không phải cuộc cải cách nào cũng được lòng dân chúng.
Năm 1406, nhà nước phong kiến bên Trung Quốc lúc này là nhà Minh cử các tướng Mộc Thạnh, Trương Phụ,… đem quân xâm lược nước Đại Ngu. Quân quan nhà Hồ chống cự quyết liệt nhưng vì Đại Ngu lúc đó chưa ổn định, nhà Hồ chưa được dân chúng ủng hộ,… nên cuối cùng quân Minh đập tan sức kháng cự của quân Hồ. Hồ Quý Ly cùng con trai và nhiều tướng bị bắt giải sang Trung Quốc. Nhà Minh nhập Đại Ngu thành quận Giao Chỉ của họ. Lúc đó nhân dân Đại Ngu mới bắt đầu khởi nghĩa ở nhiều nơi. Hic.
Năm 1407, Trần Ngỗi rồi Trần Quý Khoáng là quý tộc tôn thất nhà Trần, tiến hành khởi nghĩa chống quân Minh. Ban đầu cũng giành được một số thắng lợi đáng kể nhưng sau đó trong nội bộ mất đoàn kết nên nghĩa quân suy yếu và bị dập tắt vào năm 1412.
Năm 1418, sau khi quy tụ được nhiều hào kiệt khắp nơi trong nước, trong đó có Nguyễn Trãi, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại núi Lam (thuộc Thanh Hóa ngày nay). Ban đầu lực lượng nghĩa quân còn yếu, chừng vài nghìn người, nhưng cũng dùng mưu thắng được nhiều trận lớn gây thanh thế như ở Lạc Thủy, Mường Một… Quân Minh tăng cường đàn áp với sự giúp đỡ của nhiều kẻ bán nước, chỉ điểm nên có lúc chúng đẩy nghĩa quân lâm vào tình trạng hiểm nghèo. Ba lần nghĩa quân phải trốn lên núi Chí Linh, chịu cảnh đói khát, thiếu thốn trăm bề. Ở lần thứ hai rút lên núi Chí Linh, năm 1419, nhờ 500 quân cảm tử do Lê Lai dẫn đầu đánh xông ra, mạo danh Lê Lợi để cho giặc bắt giết nên nghĩa quân mới được bảo tòan xuống núi. Nghĩa quân Lê Lợi chiến đấu như vậy ròng rã mấy năm trời cho đến năm 1424 thì mới tạo nên chuyển biến có lợi cho mình.
Đầu năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã giành lại phần lớn đất nước, dồn quân Minh vào cố thủ trong 4 thành Đông Quan (Thăng Long), Chí Linh, Cổ Lộng, Tây Đô. Tướng quân Minh lúc đó là Vương Thông phải cho người về nước xin viện Binh. Tuy nhiên, cả hai cánh quân cứu viện, với số quân 15 vạn, do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy đều bị quân Lê Lợi tiêu diệt ngay tại cửa ải. Liễu Thăng bị chém đầu tại trận ở ải Chi Lăng. Mộc Thạnh hay tin thì đang đêm mang quân chạy về nước nhưng cũng bị phục đánh tơi bời. Quân Lê Lợi giết được hàng nghìn lính, thu nhiều ngựa và vàng bạc, khí giới. Ngày 10/12/1427, túng quẫn vì bị vây mà không có viện binh, quân Minh đang cổ thủ trong các thành đều ra hàng. Lê Lợi tha cho 10 vạn giặc Minh và còn cấp đủ lương thực cho chúng, sửa cầu đường cho chúng rút về nước. Cả bọn đều bái lạy.
Đầu năm 1428, Lê Lợi làm lễ lên ngôi Hoàng Đế ở thành Đông Kinh (Thăng Long) khôi phục tên nước Đại Việt mở đầu triều đại nhà Lê. (Gọi là nhà hậu Lê để phân biệt với nhà tiền Lê của Lê Đại Hành trước kia).
Nhà hậu Lê phát triển ổn định và đại nhiều thành tựu lớn trong xây dựng đất nước qua năm đời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông. Đến đời vua Lê Uy Mục thì bắt đầu xuống dốc.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép Lê Cung Hoàng nhường ngôi vua cho mình. Trước đó, ông ta cậy có nhiều công nên lạm quyền, kết bè cánh và đã phế truất ngôi của Lê Chiêu Tông giao cho Lê Cung Hoàng. Nhà Mạc thành hình. Ở trong nước là thế nhưng khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung lại hèn kém trong ngọai giao với nhà Minh, nhún nhường nhận chức An Nam đô thống sứ do vua Minh “trao tặng” khiến nhân dân và nhiều quan lại phẫn nộ.
Năm 1530, Lê Ý ở Thanh Hóa nổi quân chống lại nhà Mạc.
Năm 1532, Nguyễn Kim tôn con của Lê Chiêu Tông lên làm vua (Lê Trang Tông), đóng ở Thanh Hóa, nhiều quan lại của cũ của nhà Lê cũng theo về phò tá tạo nên một triều đình mới đối lập với nhà Mạc ở phía bắc. Đại Việt lúc đó vì thế có hai triều đình ở hai miền nam, bắc.
Sau khi Nguyễn Kim chết (1546), vua Lê phong con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm lên thay. Trịnh Kiểm tiến hành lọai trừ phe cánh của Nguyễn Kim để tập trung quyền lực vào tay mình. Các con của Nguyễn Kim, Nguyễn Uông bị bắt giết, Nguyễn Hoàng lo sợ nên tìm cách lánh bằng cách xin trấn giữ ở vùng Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thuận ý cho vào. Họ Nguyễn vào vùng đó ngấm ngầm có ý lập nên “vương quốc” riêng của mình chống lại họ Trịnh nhưng bên ngoài vẫn tỏ về thuần phục, giúp họ trịnh chống họ Mạc.
Năm 1570, Trịnh Kiểm chết. Trịnh Tùng thay.
Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh bại nhà Mạc ở Thăng Long, thống nhất đất nước, nhà Lê khôi phục, vua Lê bấy giờ là Lê Thế Tông. Tuy nhiên vua Lê chỉ là cái bóng. Họ Trịnh lập ra vương phủ riêng tồn tại bên cạnh triều đình vua Lê. Quyền lực nằm cả trong tay họ Trịnh.
Năm 1613, Nguyễn Hoàng ở phía Nam chết. Con là Nguyễn Phúc Nguyên vâng lời cha “dạy bảo nhân dân, luyện tập binh sĩ kháng cự lại họ Trịnh” để “xây dựng cơ nghiệp muôn đời”.
Năm 1627, lấy cớ Nguyễn Phúc Nguyên không chịu nộp thuế, họ Trịnh đem quân vào đánh. Cuộc chiến giữa hai họ bắt đầu từ đó. Đại Việt bị chia cắt thành hai “đàng” lấy sông Gianh làm ranh giới. Đàng Ngoài tính từ  bờ bắc sông Gianh trở ra bắc, Đàng Trong từ bờ nam sông Gianh trở vào nam. Ranh giới này tồn tại suốt gần 300 năm cho đến khi Nguyễn Huệ thống nhất vào năm 1786.
Năm 1771, ở Đàng Trong, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo nông dân khởi nghĩa ở Tây Sơn. Lúc này ở cả hai Đàng chính quyền phong kiến đều đã rất bê tha, suy tàn. Trải qua mấy trăm năm chia cắt, chiến tranh triền miên giữa hai Đàng đã làm cho đất nước điêu tàn, kiệt quệ, nông dân vô cùng đói khổ. Vì thế vô vàn nông dân đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Với khẩu hiệu “ Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, quân Tây Sơn tiến đến đâu thì dân nghèo ở đấy đều tham gia. Thanh thế của nghĩa quân Tây Sơn lớn lên nhanh chóng. Hầu như đánh đâu thắng đấy. Chẳng mấy chốc chiếm toàn bộ Quy Nhơn, Quảng Ngãi.
Năm 1777, Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn vương, đóng ở thành Đồ Bàn (Bình Định), sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đánh thành Gia Định. Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sau khi đánh lấy được thành, giết chết chúa Nguyễn Phúc Thuần, cắt người trấn thủ xong thì rút về Quy Nhơn. Nguyễn Ánh là cháu của Nguyễn Phúc Khoát (chúa Đàng Trong ngày xưa, trước Nguyễn Phúc Thuần) đem quân chiếm lại thành Gia Định.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Thái Đức.
Năm 1783, quân Tây Sơn đánh chiếm lại thành Gia Định, Nguyễn Ánh thua chạy trốn sang Xiêm (Thái Lan) cầu cứu.
Năm 1784, quân Xiêm cử Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn thủy quân, 300 chiến thuyền và Chiêu Thùy Biên đem 3 vạn quân bộ cùng Nguyễn Ánh tấn công Gia Định. Đến cuối năm đó thì chiếm được nửa đất Gia Định, Tây Sơn chỉ còn giữ hai thành Gia Định, Mỹ Tho.
Đầu năm 1785, Nguyễn Ánh và quân Xiêm từ Sa Đéc tiến đánh Mỹ Tho. Nguyễn Huệ cho quân mai phục, chặn đánh trên sông Mỹ Tho, đoạn ở Rạch Gầm- Xoài Mút. Quân Xiêm đại bại, chỉ còn vài ngàn bộ binh rút chạy về nước. Tây Sơn truy bắt Nguyễn Ánh nhưng không được. Nguyễn Huệ củng cố ba quân, cử tướng trấn giữ Gia Định rồi rút ra Tây Sơn cùng với Vũ Văn Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh (một tướng Đàng Ngoài không phục Trịnh Khải, bỏ nhà Trịnh theo Tây Sơn) chiếm luôn thành Phú Xuân đang do Đàng Ngoài nắm giữ. Rồi nhân đà thắng lợi giành lại hết các vùng đất của Đàng Trong. Xong, lấy danh nghĩa giúp vua Lê diệt chúa Trịnh, tiến đánh luôn quân Trịnh ở Đàng Ngoài.
Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long, lật đổ chúa Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông. Vua Lê thưởng công cho Nguyễn Huệ bằng cách phong Nguyễn Huệ là Uy Quốc Công, nhường đất Nghệ An cho Tây Sơn. Được vài hôm, Lê Hiển Tông vì bịnh nặng từ trước, qua đời. Vua kế vị là Lê Chiêu Thống. Sau đó, Nguyễn Huệ rút quân về phương Nam để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại đất bắc. Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chia nhau cai quản từ Nghệ An trở vào. Nguyễn Huệ sau khi chinh phục miền bắc được Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương, làm chủ từ Nghệ An đến Phú Xuân. Nguyễn Lữ giữ vùng đất phía nam, Gia Định. Nguyễn Nhạc giữ vùng Quãng Ngãi đến Bình Thuận.
Sau khi Nguyễn Huệ rút đi, miền bắc trở nên rối loạn. Các thế lực của họ Trịnh ra sức khôi phục lại cơ đồ. Lê Chiêu Thống phải dựa vào sức cửa Nguyễn Hữu Chỉnh để chống đỡ. Chỉnh dẹp yên được họ Trịnh, cậy mình có công lớn nên sinh ra lộng quyền, chống lại Tây Sơn, đòi lại đất Nghệ An.
Năm 1787, Nguyễn Huệ sai Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm ra bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh cùng vua Lê bỏ chạy lên phía bắc. Dọc đường Chỉnh bị bắt giết, Lê Chiêu Thống thoát sang đất nhà Thanh cầu cứu. Diệt được Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại lộng quyền. Nguyễn Huệ đích thân ra bắc giết chết Nhậm, đưa Ngô Văn Sở lên thay, tuyển dụng người giỏi, hiền tài để trao quyền hành. Nhà Lê mất từ đây.
Năm 1788, vua Thanh là Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống… đem 20 vạn quân cùng Lê Chiêu Thống tiến vào nước ta để “tiêu diệt Tây Sơn, dựng lại nhà Lê”.  Ngô Văn Sở bỏ trống Thăng Long rút về xây phòng tuyến ở Tam Điệp một mặt báo tin cho Nguyễn Huệ.  Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long quá dễ cho là Tây Sơn sợ mất mật nên trốn cả nên hống hách, coi thường Tây Sơn, cho quân cướp phá hết sức tàn bạo. Lê Chiêu Thống cũng thực hiện việc trả thù, báo oán cũng không kém phần tàn ác, ti tiện.
Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo, ngày 22/12/1788, lập đàn tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi hành quân thần tốc ra bắc. Qua vùng Nghệ An, Thanh Hóa đều tuyển thêm quân lính. Khi đến phòng tuyến Tam Điệp ngày 15/01/1779 đã có được đại quân hơn 10 vạn người.
Rạng sáng mùng 5 tết Kỷ Dậu, 30/01/1789, sau khi chuẩn bị kỹ càng, vua Quang Trung cho quân tấn cống thành Ngọc Hồi, cùng lúc đó cánh quân khác đánh vào đồn Khương Thượng ở Đống Đa, sát thành Thăng Long. Ở Ngọc Hồi, trước sức tấn công mãnh liệt, mưu trí của quân Tây Sơn, mặc dù chống trả kịch liệt nhưng quân Thanh cũng nhanh chóng để mất thành, chạy tán loạn, nhưng đều bị mai phục chết nhiều vô kể.  Ở Đống Đa, quân Tây Sơn do Đô đốc Đông chỉ huy cũng giành thắng lợi lớn. Thây giặc Thanh chất cao như núi. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử kéo theo nhiều bộ hạ thân tín tự sát theo, tàn quân chạy hết về Thăng Long. Quân Tây Sơn đuổi theo truy sát vào tận Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị lúc đó còn đang mơ màng trong giấc mộng, giật mình tỉnh giấc thì thấy quanh mình lửa cháy khắp nơi, sáng rực trời. Không kịp đóng yên cương, nhảy lên ngựa chạy trốn. Quân lính tranh nhau cướp đường chạy theo tướng về hướng bắc. Chen lấn xô đẩy qua cầu phao sông Hồng. Cầu chịu không nổi, đứt. Hàng vạn lính bị cuốn trôi theo nước dòng sông. Số chạy thoát đều bị mai phục, chặn đánh tơi bời.
Trưa mùng 5, vua Quang Trung tiến vào Thăng Long giữa tiếng hò reo của ba quân và dân chúng. Chỉ trong vòng một tuần, Vua đã từ Phú Xuân hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh hùng hậu. Vua tiến hành khôi phục đât nước với nhiều cải cách triệt để giúp đất nước phát triển nhanh chóng. Đến năm 1792, vua Quang Trung mất, con là Quang Toản lên thay.
Năm 1793, Nguyễn Ánh từ Gia Định đem quân đánh tới tận thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc. (Nguyễn Ánh sau khi thất bại cùng với quân Xiêm, sống lưu vong nhiều năm, tới 1797 đã quay về chiêu mộ được nhiều binh lính, có cả người một số người Pháp do linh mục Bá Đa Lộc đưa tới, giúp sức, tái chiếm được thành Gia Định từ 1788 khi Quang Trung đang chuẩn bị đánh quân Thanh, Nguyễn Lữ chạy về Quy Nhơn). Nguyễn Nhạc bị vây khốn phải cầu cứu Quang Toản. Quang Toản sai tướng đem quân giải vây xong thì có ý muốn chiếm luôn. Nguyễn Nhạc vì thế uất ức mà chết. Nguyễn Ánh rút nhưng từ đó thường đem quân đánh phá. Hai bên giành nhau thành Quy Nhơn mấy lần.
Sau khi Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc chết, nhà Tây Sơn do Quang Toản lãnh đạo. Nhưng vua còn non nớt nên bị Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng quyền gây nên nhiều mẫu thuẫn nội bộ. Các tướng tự đánh giết lẫn nhau. Triều đình suy yếu. Trong khi đó Nguyễn Ánh đựơc sự giúp sức của người Pháp ngày một mạnh lên.
Năm 1801, lợi dụng hai  tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng của Tây  Sơn đang đánh để giành lại thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh đánh úp Phú Xuân, lấy được thành, vua Quang Toản chạy ra bắc. Hai tướng Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng sau khi chiếm đựơc Quy Nhơn, hay tin ấy quyết định bỏ thành, mượn đường Ai Lao tính ra bắc hội quân với Quang Toản. Dọc đường thì bị quân Nguyễn Ánh truy sát, bắt giết. Vua Quang Toản và các tướng còn lại cũng không chống được. Cuối cùng đều bị bắt giết. Nguyễn Ánh trả thù nhà Tây Sơn rất dã man. Nhà Nguyễn Tây Sơn hoàn toàn bị diệt.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đặt tên nước là Việt Nam, mở ra triều đại nhà Nguyễn kéo dài cho tới năm 1945 qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, . Tuy nhiên từ 1858 đến 1945, Việt Nam bị thực dân Pháp Xâm lược. Thực dân Pháp ra sức bóc lột tài nguyên, nhân, vật lực của Việt Nam, dìm các cuộc khởi nghĩa của nông dân, một số danh sĩ yêu nước trong biển máu.  Các vị vua cuối triều Nguyễn không có quyền quyết định các quốc sách. Họ chỉ là những vị vua bù nhìn, chỉ biết lo cho thân phận mình được yên ổn. Họ đã bất lực đầu hàng Pháp, không giúp gì được cho đất nước lại còn bóc lột dân chúng bằng lắm thứ tô thuế,… nặng nề để phục vụ cho cuộc sống xa hoa của họ.
Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã lật đổ được chính quyền của Pháp, Nhật, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến của nhà Nguyễn để lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, một thể chế nhà nước mới mà tất cả nhân dân lao động được làm chủ đất nước, bình đẳng với nhau, không có ai bóc lột ai cả.
NƯỚC VIỆT NAM THỜI KỲ 1945 – 1975
Tháng 8/1945, Pháp nổ súng tái chiếm Nam Kỳ mở đường xâm lược Việt Nam lần 2.
Tháng 12/1946, Pháp ra tối hậu thư đòi Chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, phải giải tán quân đội, giao nộp vũ khí. Biết đã tới giới hạn cuối cùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cử một bộ phận quân đội ở lại cầm cự với Pháp tại Hà Nội, còn lại rút hết lên vùng rừng núi phía Bắc, lập căn cứ kháng chiến.
Không đựơc đáp ứng tối hậu thư, Pháp tấn công Hà Nôi, quân Việt Nam chặn quân Pháp ở đó hơn hai tháng, khi đại quân và tài sản đã di tản lên căn cứ kháng chiến an toàn thì rút đi. Pháp chiếm được Hà Nội và sau đó mở rộng ra khắp vùng đồng bằng bắc bộ. Tuy nhiên không tiêu diệt được chính phủ của Hồ Chí Minh.
Pháp tuy chiếm được Việt Nam nhưng phần lớn chỉ có đủ quân để giữ các vùng đô thị. Nhân dân Việt Nam tổ chức đánh du kích ở vùng nông thôn và rừng núi. Pháp càng đánh càng đuối sức trong khi quân Việt Nam càng đánh càng trưởng thành và lớn mạnh. Đến năm 1950 thì quân đội Việt Nam đã bắt đầu lấy lại thế chủ động có thể đánh những trận lớn trực diện. Và đến năm 1953 thì Pháp đã rơi vào tình thế bị động đối phó.
Năm 1954, với nỗ lực nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường, Pháp ra sức càn quét, tăng cường bắt lính để mở rộng nguỵ quân, xin thêm viện binh, viện trợ vũ khí. Xây dựng những cứ điểm phòng thủ ở miền bắc để thi hành kế hoạch Nava: phòng thủ ở miền bắc, bình định miền Nam, sau khi bình định miền Nam sẽ có thêm nhiều ngụy quân và thanh thế tiến ra miền bắc tiêu diệt quân bắc Việt. Và Điện Biên Phủ là một trong những cứ điểm lớn nhất, mạnh nhất, đông quân nhất và “không thể công phá” tại Đông Dương đã được xây dựng với sự giúp đỡ của người Mỹ. Pháp định dùng nó làm cái bẫy để nhử quân Việt Nam vào đánh để tiêu diệt. Thế nhưng…
Tháng 5/1954, cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân Việt Minh bắt sống toàn bộ 16 nghìn quân Pháp trong đó có cả sở chỉ huy. Cả thế giới chấn động. Thất bại này khiến Pháp phải ký hiệp định Giơ ne vơ chấm dứt xâm lược Việt Nam, chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Việt Nam.
Pháp rút, Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam dựng nên chính quyền tay sai là Ngô Đình Diệm đàn áp những người chống đối.
Cuộc chiến của nhân dân Việt Nam chống lại Mỹ, và tay sai kéo dài từ đó tới năm 1975. Trong suốt 20 năm đó, Mỹ và chính quyền do Mỹ dựng lên đã tìm đủ mọi cách, đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất để chống lại nhân dân Việt Nam nhưng cuối cùng đều bị thất bại. Nước Việt Nam độc lập từ đó cho đến nay./.
(nguồn: lichsuvietnam.info)

Thánh địa Mỹ Sơn

Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam, cách thành phố Hội An khoảng 40km.
Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2km, xung quanh là đồi, núi, trong mạch núi cao khoảng 100m đến 400m từ Đông Trường Sơn qua Mỹ Sơn đến kinh đô Trà Kiệu.
My Son
Người Champa có mặt ở nhiều nơi từ Trung và Nam bộ lên đến tận Tây Nguyên. Và khu di tích Mỹ Sơn là một trong số nơi người Champa sinh sống, địa điểm còn sót lại nhiều đền tháp được xây dựng theo tâm thức Ấn Độ giáo, tiến triển liên tục từ thế kỷ VII đến thế Kỷ XII và đây là nơi còn khắc đậm dấu ấn của người Champa.
Những tòa tháp nguy nga tráng lệ xưa kia, sau chiến tranh và sự phá hủy của thời gian, nay đã không còn nữa. Theo các nhà nghiên cứu của văn hóa – nghệ thuật ở Việt Nam và nước ngoài, thì Mỹ Sơn hàm chứa 6 phong cách được định danh theo quy chuẩn của kiến trúc Mỹ Sơn. Trong đó ở thế kỷ X đánh dấu nhiều công trình đỉnh cao của những công trình này.
Vậy nhưng khu di tích Mỹ Sơn vẫn còn là “ẩn số”. Các lớp gạch đá xây dựng ở khu di tích được người Champa xây hầu như không thấy mạch vữa, mà vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt. “Giờ có nhiều ý kiến khác nhau về những công trình này. Có người thì cho họ đã dùng nhựa cây đốt lên, có người thì nói họ dùng lá cây nghiền ra bôi vào sau đó để cho khô rồi xây tiếp… nhưng vẫn chưa có những kết luận chính xác”, anh Cường, nhân viên hướng dẫn du lịch ở khu di tích Mỹ Sơn, cho biết.
Việc tìm hiểu “ẩn số”, nguồn cội Champa giúp ta có cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển cùng giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của khu di tích này.
Trước kia, Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Mỗi vị vua, sau khi lên ngôi, đều đến Mỹ Sơn làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật và xây dựng đền thờ. Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13. Vào đầu thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman đã xây dựng ngôi đền bằng những vật liệu rất bền vững, còn tồn tại đến ngày nay. Các triều vua sau đó đều tu sửa các đền tháp cũ và xây dựng đền tháp mới để dâng lên các vị thần của họ.
Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva – Ðấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần – vua và tổ tiên hoàng tộc.
Vào năm 1885, di tích Mỹ Sơn được phát hiện bởi một học giả người Pháp tên là M.C Paris. Vào những năm đầu thế kỷ 20, hai nhà nghiên cứu của Viễn thông Pháp là L.Finot và L.de Lajonquière và nhà kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H. Parmentier đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu văn bia và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm. Cho đến những năm 1903-1904 những tài liệu cơ bản nhất về bia ký và nghệ thuật kiến trúc Mỹ Sơn đã được L.Finot chính thức công bố.
Đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính (Kalan), bao quanh bằng những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Ngôi đền chính tượng trưng cho núi Meru – trung tâm vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Các đền phụ (miếu phụ) thờ các vị thần trông coi hướng trời. Ngoài ra còn có những công trình phụ là những ngôi tháp thường có mái lợp ngói, là nơi khách hành hương sửa lễ, cất giữ đồ tế lễ. Đền thờ của người Chăm không có cửa sổ, chỉ các công trình tháp phụ mới có cửa sổ.
Đền, tháp Chăm xây bằng gạch, ghép với những mảng trang trí bằng sa thạch. Chúng được xếp khít với nhau và ngày nay chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được chất kết dính. Sau khi tường tháp được xây lên, những nhà điêu khắc mới bắt đầu chạm trổ hoa lá, hình người, hình thú… lên tháp. Kỹ thuật điêu khắc trên gạch của người Chăm rất ít xuất hiện trong các nghệ thuật khác ở khu vực.
Mỗi ngôi đền tháp ở Mỹ Sơn có 3 bộ phận chính: đế tháp, thân tháp và mái tháp:Đế tháp: theo quan niệm của người Chămpa, đế tháp tượng trưng cho thế giới trần tục, thường được xây trên nền hình vuông hoặc hình chữ nhật, bằng gạch hoặc đá phiến to. Xung quanh đế được trang trí các môtip hoa văn, hình con thú, hình người cầu nguyện đứng trong các vòm cuốn nhỏ…
Thân tháp: cũng theo quan niệm của người Chămpa, thân tháp tượng trưng cho thế giới tâm linh, nơi con người gột rửa bụi trần được thoát tục để có thể tiếp xúc với tổ tiên và hoà nhập với thần linh.
Mái tháp: mái tháp tượng trưng cho thần linh, thường có ba tầng càng lên cao càng thu hẹp. Mỗi tầng lại mô phỏng đầy đủ cấu trúc cửa chính và cửa giả giống tầng dưới và được trang trí những ngẫu tượng, vật cưỡi của các vị thần trong Ấn Độ Giáo như: chim thần, ngỗng thần, bò thần, voi, sư tử… Tầng một và hai ở mỗi góc thường trang trí các tháp nhỏ.
Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại  Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách, mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ 7 đến thế kỷ 8, phong cách Hoà Lai thế kỷ 8 đến thế kỷ thứ 9, phong cách Ðồng Dương từ giữa thế kỷ 9, phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Ðịnh, phong cách Bình Ðịnh
Lâu nay người ta vẫn gọi các đền tháp ở Mỹ Sơn theo vần A, A’, B, C, D… là theo qui ước phân chia và đặt tên của Henri Parmentier. Ông đã dựa vào những tường bao quanh cụm đền tháp để xếp chúng cùng nhóm mang một chữ cái. Quan sát trực tiếp, người ta thấy rằng việc đánh số trong mỗi nhóm của ông dường như dựa vào công năng của mỗi đền, tháp. Bắt đầu từ ngôi đền chính – tháp quan trọng nhất của nhóm, mang số 1; tháp cổng số 2; các tháp còn lại tuỳ theo chức năng trong nhóm được gán các số kế tiếp. Phương pháp đặt tên của ông rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu và quản lý khu di sản Mỹ Sơn trong nhiều năm qua.
Trong số 225 di tích Chăm được phát hiện tại Việt Nam, riêng Mỹ Sơn có khoảng 70 đền tháp, 32 bi ký tồn tại ở dạng này hay dạng khác. Những đền tháp ở đây tuy không còn cái nào nguyên vẹn nhưng vẫn là những cứ liệu tốt nhất để tìm hiểu quá trình phát triển của nghệ thuật Chăm. Nghệ thuật điêu khắc Chăm tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng trong quá trình phát triển tính bản địa ngày càng đậm nét và tính dân tộc ngày càng khẳng định, tạo nên vẻ độc đáo, sức hẫp dẫn kỳ lạ. Điêu khắc Chăm cũng có những hình ảnh thầy tu, vũ nữ khắc kỷ và khoái lạc nhưng nổi bật lên là đặc điểm về sức sống mãnh liệt của con người với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt…
Tháng 12/1999, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản thế giới được tổ chức ở Marrakesh (Maroc), Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các Di sản Văn hóa thế giới theo tiêu chuẩn 2 như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn 3 như là bằng chứng duy nhất của một nền văn minh châu Á đã biến mất.

Thăm những cảnh đẹp trên quê hương Quảng Bình

 Mảnh đất Quảng Bình sơn thủy hữu tình, có vô vàn cảnh đẹp nổi tiếng trong nước và trên thế giới như vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng, cầu Nhật Lệ, thành cổ Đồng Hới...

Trong những ngày cả nước tưởng niệm vị anh hùng dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng iHay.vn trở về thăm lại quê hương ông qua bộ ảnh của tác giả Ngô Huy Hòa.
Sông Son

Dòng sông thơ mộng với màu xanh thủy lục này chảy hoàn toàn trên địa phận tỉnh Quảng Bình, uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi Kẻ Bàng
Động Phong Nha

Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn rẽ vào động Phong Nha 


Bến thuyền sông Son

Mẹ thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Quảng Bình động Phong Nha lộng lẫy với con sông ngầm được xác định là dài nhất thế giới
Động Thiên Đường

Hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ ở động Thiên Đường

Biển Lệ Thủy


Đèo Ngang

Hầm qua đèo Ngang
Sông Gianh

Dòng sông Gianh đã từng là chứng nhân của một thời kỳ lịch sử Trịnh - Nguyễn phân tranh
Thành cổ Đồng Hới

Thành cổ đã trở nên thiêng liêng và máu thịt, là nhân chứng đặc biệt trong ký ức của nhiều người con Quảng Bình
Sông Nhật Lệ

Dòng Nhật Lệ cũng là chứng nhân lịch sử của một thời đau thương, chia cắt

Cầu Nhật Lệ
Hang Sơn Đoòng

Hang Sơn Đoòng có chiều dài hơn 6,5km, cao hơn 200 mét, rộng khoảng 150 mét và trở thành hang lớn nhất thế giới, vượt qua hang Hươu của Malaysia. Hang nằm trong quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng nổi tiếng của Quảng Bình - Ảnh: National Geographic

PhimYouTu

Flag Counter